7.1 Phạm vi áp dụng
Trang đích được xem như một thành phần của quảng cáo, vì thế nên các chế tài và luật lệ áp dụng cho quảng cáo trên hệ thống Zalo Ads cũng được áp dụng và sử dụng cho các trang đích – landing page.
Ngoài việc phải tuân thủ quy định về nội dung quảng cáo, trang đích phải tuân thủ những nội dung được liệt kê tại mục 7.2, 7.3 của quy định này.
7.2 Quy định kỹ thuật của trang đích
Trang đích không được phép có những lỗi sau:
- Trang đích chưa hoàn thiện: Trang web lỗi đang được xây dựng (Ví dụ trang đích bị vỡ layout hoặc layout chồng lên nhau, trang đích chớp tắt hoặc nhấp nháy liên tục…)
- Trang đích là tệp PDF hoặc JPEG.
- Trang đích không hoạt động, hoặc ngăn cản người dùng điều hướng/ thoát ra khỏi trang (Ví dụ trang hiện lỗi 404, trang trắng, trang có hiện thông báo lỗi “This site can’t be reached…)
- Trang đích tự động kích hoạt tải xuống trực tiếp từ quảng cáo hoặc dẫn đến một địa chỉ email hoặc một tệp. (Ví dụ: Hình ảnh, video, âm thanh, tài liệu. Lưu ý: Chính sách này bao gồm tệp PDF, ngay cả khi PDF chứa đựng thông tin hoặc bao gồm đặc điểm sản phẩm).
- Trang đích yêu cầu người dùng tải xuống các chương trình hoặc phần mềm bổ sung để truy cập nội dung trên trang.
- Sử dụng trang web tên miền trỏ hướng làm đích đến quảng cáo.
- Chuyển hướng từ URL cuối cùng đưa người dùng đến tên miền khác. (kể cả đó là các URL theo dạng rút gọn như bit.ly)
- Chuyển mọi người đến một nhóm đóng hoặc bí mật trên Facebook, trang Facebook cá nhân và các trường hợp tương tự khác. Trong trường hợp dẫn link đến Facebook, Zalo Ads chỉ chấp nhận dẫn link đến Facebook fanpage, bài viết ở chế độ công khai hoặc trang sự kiện công khai.
- Các trang đích yêu cầu người dùng phải đăng nhập hoặc phải có tài khoản để có thể tương tác với các thành phần trên trang đích.
- Trang đích chứa phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại hoặc bất kỳ phần mềm nào dẫn đến trải nghiệm không mong muốn hoặc lừa bịp. Điều này bao gồm các liên kết đến trang web có những sản phẩm này.
- Dẫn link đến trang đích tự động tải xuống trực tiếp ứng dụng hoặc tập tin độc hại.
- Vì các nền tảng trên Zalo Ads được lựa chọn và thay đổi linh hoạt, các liên kết đích cần phải khả dụng trên tất cả các nền tảng (PC – Android – IOS).
7.3 Quy định về đường dẫn URL và tên miền quảng cáo
Đường dẫn URL và tên miền trang đích không được phép có những lỗi sau:
- URL không tuân thủ cú pháp chuẩn.
- Sử dụng địa chỉ IP làm URL hiển thị. Ví dụ: 123.45.678.90.
- URL hiển thị sử dụng ký tự không được chấp nhận. Ví dụ: Các ký tự như !, *, #, _, @.
- Tên miền làm giả, bắt chước hoặc giống với các tên miền của các trang tin, trang báo.
Ví dụ: baovnexpress.site (cố tình giả trang vnexpress); bantinyte.com, tintucplus-vn.com (làm giả, thể hiện mình như một trang tin tức). - Đối với các tên miền có nhắc đến các nhãn hàng hiệu, nhãn hàng nổi tiếng; hoặc tên viết tắt của các nhãn hiệu trên, cần có giấy phép chứng minh ủy quyền sử dụng/ mua bán của các nhãn hiệu đó.
- Tên miền sử dụng các từ ngữ không phù hợp với thuần phong mỹ tục
- Đối với hình thức quảng cáo Website, đường dẫn trang đích không được sử dụng link chatbot (Ví dụ: chatbot.oa.zalo.me) và link rút gọn (ví dụ bit.ly, goo.gl) cho link chatbot hoặc kịch bản tin nhắn.
- Tên miền không được là nội dung có dấu.
7.4 Quy định chung về nội dung quảng cáo trên trang đích:
Ngoài việc tuân thủ các quy định trong mục 5. Quy định về nội dung quảng cáo, trang đích còn không được phép có những lỗi sau:
- Trang đích không khớp với sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá trong quảng cáo.
- Trên trang đích dẫn đến làm giả hoặc có các thành phần giả các trang tin, trang báo, các chuyên trang.
- Trên trang đích dùng để bán hàng, bán sản phẩm hoặc giới thiệu dịch vụ mà không ghi rõ các thông tin bao gồm:
– Thông tin liên lạc của công ty, cửa hàng hoặc nhãn hiệu:
1. Tên công ty cung cấp sản phẩm
2. Địa chỉ chính xác của công ty, cửa hàng hoặc nhãn hiệu
3. Số điện thoại liên hệ hoặc email
– Thông tin sản phẩm, ngành hàng (sản phẩm hữu hình): Tên, nhãn hiệu sản phẩm.
– Thông tin sản phẩm, ngành hàng (sản phẩm dịch vụ): Tên, thông tin về dịch vụ. - Trong trường hợp trang đích là nền tảng phân phối ứng dụng (Google Play, App Store..), nội dung phần mô tả ứng dụng thiếu:
– Thông tin như được yêu cầu với một trang đích thông thường, hoặc
– Dẫn link về website chính thức với đầy đủ thông tin được yêu cầu - Trang đích có hiển thị quảng cáo nhằm mục đích thu phí quảng cáo từ bên thứ 3, không thuộc phạm vi kinh doanh chính thức của khách hàng.
- Trang đích có nội dung chính trị, chống phá nhà nước.
- Nội dung của trang đích trên các nền tảng không đồng nhất với nhau.
7.5. Trang đích quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm
- Đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc, trên landing page cần cung cấp thêm các thông tin liên quan đến sản phẩm như sau:
– Tác dụng, đối tượng sử dụng của sản phẩm phải được cung cấp rõ ràng và giống với phần thông tin trong giấy phép quảng cáo
– Các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có).
– Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với các sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt, nếu có).
– Đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, trang đích đến phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ở font chữ dễ đọc, cỡ chữ không được nhỏ hơn 12, đảm bảo có thể nhìn thấy được trong điều kiện bình thường.
- Đối với các sản phẩm mỹ phẩm, trên landing page cần có các thông tin liên quan đến sản phẩm như sau:
– Tính năng, công dụng của mỹ phẩm.
– Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế (nếu có).
- Đối với quảng cáo thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, tên miền và các thành phần trong đường link trang đích không được chứa các từ ngữ bị cấm sử dụng với quảng cáo ngành hàng: chữa, trị, bác sĩ, khỏi bệnh, hết bệnh, thuốc, bệnh viện và các từ ngữ liên quan.
Ví dụ: chuaviemda.com, bacsigiadinh365.online, baithuocgiatruyen.online.
7.6 Quy định về popup trên trang đích
Để đảm bảo trải nghiệm của người dùng, Zalo Ads khuyến cáo các nhà quảng cáo hạn chế sử dụng các loại cửa sổ pop-up trên trang đích của nhà quảng cáo (cửa sổ tự động bật lên che mất một phần hoặc toàn bộ nội dung của trang đích khi người dùng truy cập vào link hoặc xem đến một vị trí bất kỳ trong trang), cụ thể:
- Pop-up được phép hiển thị: popup nhỏ, ở góc màn hình, hoặc sử dụng không gian màn hình hợp lý, không ảnh hưởng đến việc người dùng xem thông tin.
- Pop-up có thể bị từ chối: popup lớn, ở giữa màn hình, che mất nội dung bài viết, người xem phải tắt popup mới đọc được nội dung chính.
Popup được phép hiển thị (Ví dụ popup ở cuối trang)
Popup có thể bị từ chối (Ví dụ popup lớn, ở giữa màn hình)
Zalo Ads, theo quyết định của mình, có quyền từ chối quảng cáo nếu thấy popup trên trang đích gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
7.7 Chỉnh sửa trang đích trong quá trình chạy quảng cáo
Nhằm giữ cho trang đích đúng với các chính sách quảng cáo của Zalo Ads, sau khi quảng cáo đã được duyệt, vui lòng không chỉnh sửa trang đích. Nếu Zalo Ads nghi ngờ trang đích đã bị chỉnh sửa quá nhiều so với thời điểm quảng cáo được duyệt, quảng cáo sẽ bị tạm dừng để điều tra.
Nếu có các dấu hiệu trong việc cố tình thay đổi trang đích, giả mạo, lừa đảo hay sử dụng thông tin không đúng với thông tin ban đầu được duyệt nhằm mục đích trục lợi hoặc lừa đảo (theo đánh giá từ phía Zalo), quảng cáo của bạn và các quảng cáo liên quan (ví dụ có cùng domain) sẽ ngay lập tức bị từ chối, cũng như đối mặt với các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và của Zalo.
Các bài viết khác
-
Cách chỉnh sửa lại quảng cáo đã tạo
Khi quảng cáo đã đang chạy, nhà quảng cáo có thể chỉnh sửa để làm mới tiếp cận người dùng…
-
Bài học: Những yếu tố ảnh hưởng đến quảng cáo Zalo Ads
Khi quảng cáo được duyệt, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phân phối và hiệu quả quảng cáo…
-
Cách thức phân phối quảng cáo
Với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy quảng cáo được phân phối nhanh hơn trên hệ thống, Zalo Ads giới…